Câu hỏi: Chúng tôi là nhà thầu xây dựng, hiện tại chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trong hợp đồng có nêu cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài VIAC, đề nghị SBLAW cung cấp thông tin về vấn đề này. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW gửi tới Quý khách hàng những lưu ý về việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
1. Điều kiện giải quyết tranh chấp tại Trọng tài
Theo quy định tại Điều 5 Luật trọng tài thương mại, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Theo Hợp đồng đã ký kết giữa Khách hàng và Chủ đầu tư, hai bên đều thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vì vậy, tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của Chủ đầu tư đáp ứng đủ điều kiện giải quyết bằng Trọng tài.
2. Trình tự tố tụng tại Trọng tài
Theo quy định tại Luật trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng trọng tài, trình tự thực hiện thủ tục tố tụng tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (sau đây được gọi tắt là “Trung tâm”) sẽ được thực hiện theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
- Bước 2: Thụ lý đơn khởi kiện
- Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài
- Bước 4: Phiên họp giải quyết tranh chấp
Tham khảo nội dung chi tiết của 4 bước tại đây >> https://vi.sblaw.vn/practice/giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai/
3. Phán quyết trọng tài
– Nguyên tắc lập phán quyết trọng tài: Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
– Nội dung, hình thức của phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm và địa điểm lập Phán quyết trọng tài;
+ Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
+ Tên của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;
+ Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp, nếu có;
+ Căn cứ lập Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong Phán quyết trọng tài;
+ Thời hạn thi hành Phán quyết trọng tài;
+ Phân bổ phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
+ Chữ ký của các Trọng tài viên.
– Thời hạn lập Phán quyết trọng tài: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp.
– Hiệu lực của Phán quyết trọng tài: Phán quyết trọng tài là chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
– Phán quyết trọng tài phải được Hội đồng Trọng tài gửi tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm cấp thêm bản sao Phán quyết trọng tài và phải trả phí theo quy định của Trung tâm.
– Khi có Trọng tài viên không ký vào Phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài phải ghi việc này trong Phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.
4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng tại Trọng tài
a) Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, Nguyên đơn hoặc Bị đơn có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của các bên, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ tranh chấp hoặc việc thi hành phán quyết Trọng tài.
b) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
– Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
– Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến tố tụng trọng tài;
– Kê biên tài sản đang tranh chấp;
– Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một bên hoặc các bên tranh chấp;
– Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
– Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
c) Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
– Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
– Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.
5.Thi hành phán quyết trọng tài
– Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
– Thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài là 05 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài có hiệu lực.
– Trình tự, thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài được thực hiện theo lộ trình như sau:
+ Người yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài nộp đơn yêu cầu đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết.
+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành phán quyết trọng tài và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phán quyết trọng tài.Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành phán quyết trọng tài phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
+ Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án sẽ được thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, trừ trường hợp cần ngăn chặn bị đơn tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành phán quyết.
+ Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành phán quyết; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
+ Cưỡng chế thi hành án: hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế thi hành phán quyết gồm: (1) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành phán quyết; (2) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành phán quyết; (3) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; (4) Khai thác tài sản của người phải thi hành phán quyết; (5) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; (6) Buộc người phải thi hành phán quyết thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
– Tùy thuộc vào từng loại tài sản của người phải thi hành ánh, Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế và thực hiện quy trình của kế hoạch cưỡng chế để thi hành phán quyết cho người yêu cầu.