Trong khuôn khổ Hội thảo của dự án Mutrap, được tổ chức tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài tham luận về Tác động của Thông tư số 41/2014/TT-BCT tới các doanh nghiệp có lao động nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận.
1.Bối cảnh ra đời của Thông tư số 41/2014/TT-BCT.
– Với sự ra đời của Thông tư 41/2014/TT-BCT đã góp phần làm rõ hơn cho quy định còn chung chung về các trường hợp người lao động nước ngoài không phải xin giấy phép lao động tại Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH.
– Việc ban hành Thông tư cũng thể hiện việc thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cũng như thể hiện sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, như năm 2016 sẽ tham gia cộng đồng kinh tế Asean (AEC) và sắp tới là Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa kết thúc quá trình đàm phán.
– Việc ban hành Thông tư 41 cũng đặt trong bối cảnh thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các bộ ban ngành của Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi truường kinh doanh tại Việt Nam.
2.Tác động của Thông tư đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Công ty Luật S&B (SBLAW) là một hang luật tư vấn đầu tư và sở hữu trí tuệ, với gần 10 năm kinh nghiệm, chúng tôi đã và đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi họ kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi đang tư vấn cho các tập đoàn lớn của nước ngoài khi họ vào Việt Nam kinh doanh như IBM (Hoa Kỳ), LG (Hàn Quốc), Logiterm (Nhật Bản), ABB (Thuỵ Điển)…
Các vấn đề mà doanh nghiệp cần tư vấn là các thủ tục về lập công ty, các vấn đề về lao động cũng rất được quan tâm trong đó có vấn đề về lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Vì vậy, các luật sư của chúng tôi có thể thấy được thái độ và những tác động của nhà đầu tư đối với mỗi chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với các quy định của Thông tư 41, chúng tôi nhận thấy có 2 tác động mà nhà đầu tư nước ngoài thể hiện như sau:
2.1. Về khía cạnh kinh tế.
– Quy định tại Thông tư đã góp phần làm giảm bớt đi những yêu cầu điều kiện rườm rà, gây khó khăn trở ngai cho người lao động nước ngoài (NN) khi làm việc tại các công ty NN có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
– Hơn hết, tại thời điêm hiện nay khi Việt Nam đang thu hút những lao động nước ngoài có chuyên môn kỹ thuật cao về làm việc tại Việt Nam thì Thông tư 41 này tháo gỡ những khó khăn, những điều kiện khắt khe khi thực hành các quy định pháp luật liện quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hướng đến việc hoàn thiện và xây dựng môi trường thuận lợi, công bằng cho đầu tư và lao động.
Dẫn chứng cụ thể như sau:
– Trước thời điểm Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành thì việc đánh đồng các đối tượng lao động nước ngoài khi sang làm việc tại Việt Nam đều phải xin cấp giấy phép lao động với yêu cầu rườm rà về bằng cấp, kinh nghiệm và phải hợp pháp hóa lãnh sự, dịch công chứng các tài liệu nước ngoài….
– Kể từ thời điểm Nghị định 102/2013/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BLDTBXH có hiệu lực đã là một bước cải cách về điều kiện và giấy tờ, nhưng vẫn có quy định hạn chế và khắt khe mà không phải người lao động nước ngoài cũng có thể đáp ứng được, ví dụ như:
+ Bắt buộc phải có xác nhận kinh nghiệm hoặc chứng minh kinh nghiêm làm việc phù hợp với vị trí tuyển dụng tại Việt Nam,
+ Bắt buộc người lao động NN đã sang Việt Nam thì vừa phải xin Lý lịch tư pháp (LLTP) tại Việt Nam vừa phải xin LLTP tại nước ngoài.
Trong Nghị định này đã có điểm gợi mở tao điều kiện hơn cho các lao động NN làm việc tại Công ty có hiện diện thương mại tại Việt Nam sẽ không cần phải xin cấp giấy phép nhưng quy định còn chung chung và chưa rõ ràng về các điều kiện để được xét duyệt không phải xin giấy phép lao động.
– Thông tư 41/2014/TT-BCT ra đời với quy định cụ thể rõ ràng về điêu kiện đáp ứng cho người lao động NN không phải xin giấy phép lao động tại VN:
a) Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ thuộc Phụ lục I Thông tư này;
c) Người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng như làm giản tiện thủ tục hồ sơ chứng minh cho người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành nghề trong biểu cam kết của Việt Nam tại WTO:
a) Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ thời hạn làm việc của người lao động;
b) Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật .
c) Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam
và đặc biệt hơn nữa là các văn bản này được miễn hợp pháp hóa lãnh sự chỉ phải dịch sang Tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy là, với những quy định nêu trên đã tác động tích cực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong việc dễ dàng sử dụng người lao động nước ngoài có tay nghề cao từ công ty mẹ ở bên nước ngoài.
Doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, sử dụng nhanh và thuận tiện nguồn lao động đã được công ty mẹ ở NN tuyển dụng, đáp ứng được nhu cầu cáp thiết nguồn nhân lực tay nghề cao trong sản xuất kinh doanh, tăng hiệu quả kinh doanh mà nguồn nhân lực trong nước không thể đáp ứng được.
2.2. Về khía cạnh xã hội.
Trong quá trình tư vấn cho các công ty nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một trong những vấn đề mà khách hàng hỏi nhiều nhất là điều kiện xin giấy phép lao động và xin thẻ tạm trú.
Với quy định mở này sẽ tạo tâm lý tốt cho người nước ngoài, yên tâm làm việc khi họ được miễn giấy phép lao động khi di chuyển nội bộ trong tập đoàn. Khi họ được miễn giấy phép lao động thì cũng rút ngắn thời gian cho việc xin thẻ tạm trú tại Việt Nam.
Những quy định này sẽ có tác động nhiều tới các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, từ đó sẽ tác động tới tâm lý của chủ đầu tư lớn về quyết tâm của Chính phủ và các bộ ban ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, quy định của Thông tư cũng góp phần vào việc thúc đẩy việc di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh của các tập đoàn lớn sang Việt Nam, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
3.Kiến nghj.
Bộ Công Thương là một trong những cơ quan có nhiều chính sách, quy định ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong đó các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy, với tư cách là một luật sư tư vấn kinh doanh, chúng tôi đề nghị Bộ tiếp túc tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp không chỉ trong việc quản lý lao động mà còn việc cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.
Để lại một bình luận