Liên quan đến vụ thao túng cổ phiếu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và một số công ty có liên quan, nhiều lãnh đạo của Tập đoàn FLC cũng như các doanh nghiệp trong “họ FLC” hiện đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Trăn trở vấn nạn thao túng cổ phiếu doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết và các lãnh đạo FLC thao túng giá chứng khoán, theo tính toán làm nhà đầu tư thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, việc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bị bắt đã làm thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh, thổi bay nhiều tỷ USD. Cú giảm sâu của thị trường thời gian qua khiến những nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp, kể cả các quỹ đầu tư cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có trả lời xung quanh xử lý việc làm giá trên thị trường chứng khoán của FLC, trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước; quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi các cổ phiếu FLC, HAI và ROS bị hủy giao dịch; và điều kiện để các cổ phiếu này được giao dịch trở lại.
“Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận” – Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Nói về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS, HAI… được giao dịch trở lại, ông Chi cho biết các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là phải có báo cáo kiểm toán 2021, 6 tháng 2022 theo quy định; tổ chức Đại hội cổ đông theo quy định… “Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận”.
Về quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào, ông Chi khẳng định, khi bị huỷ giao dịch, quyền lợi nhà đầu tư đương nhiên bị ảnh hưởng, muốn bán không bán được trên thị trường nữa, rất khó khăn.
“Nhưng với trách nhiệm, vì mình sở hữu cổ phiếu, là cổ đông của các doanh nghiệp này thì trách nhiệm của nhà đầu tư là phải có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm đó sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm”, ông Chi nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch SBLAW
Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề bảo vệ quyền lợi của khoảng 38.000 cổ đông của cổ phiếu ROS đã bị hủy giao dịch trên HoSE, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW cho biết, theo quy định hiện hành, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng PHẢI đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM và chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.
Sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết/hủy giao dịch, có hai trường hợp xảy ra trong đó:
Với cổ phiếu hủy niêm yết giao dịch để chuyển sang sàn lớn hơn (từ Upcom -> Chuyển từ HNX sang HOSE), số cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ sẽ được chuyển đổi sang sàn mới và giao dịch bình thường.
Nếu hủy niêm yết ở HOSE hay HNX để chuyển xuống thị trường UPCoM, các cổ phiếu này vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản song nếu doanh nghiệp kinh doanh sa sút hoặc có nguy cơ phá sản, thanh khoản cổ phiếu sẽ suy giảm trầm trọng và nhà đầu tư có nguy cơ bị mắc kẹt.
Một vấn đề khác, với cổ phiếu hủy niêm yết và rời bỏ thị trường, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Khi đó, có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.
Nguồn: 24h.com.vn