Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi cánh cửa thương mại được mở rộng ra quốc tế cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tìm hiểu luật pháp cũng như các quy định, quy chế của các nước khác thật kỹ, tránh những rủi ro khi ký các hợp đồng quốc tế.
Những lưu ý khi ký kết hợp đồng quốc tế
Khi đặt bút ký kết hợp đồng quốc tế, doanh nghiệp không nên chủ quan bởi rất dễ xảy ra sai sót, rủi ro dẫn đến tranh chấp, kiện cáo. Sau đây là những lưu ý mà SBLAW nêu ra để các doanh nghiệp tránh mắc phải:
1. Cần lưu ý tới Điều khoản Hiệu lực hợp đồng
Các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý điều khoản này bởi vì khi đã ký vào hợp đồng cũng có nghĩa là hợp đồng chính thức có hiệu lực và các bên sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ được nêu ra trong hợp đồng. Nếu bạn không đọc kỹ hoặc lơ là, chủ quan sẽ dễ dẫn tới việc bỏ qua những chi tiết quan trọng và có thể sẽ phát sinh những rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp mình.
2. Cần lưu ý tới Điều khoản Phạt vi phạm hợp đồng
Trong các hợp đồng thương mại, khi đặt bút ký doanh nghiệp cũng cần lưu ý về điều khoản Phạt vi phạm hợp đồng. Nếu phạt hợp đồng thì mức phạt tối đa là 8% giá trị vi phạm. Vì vậy, các doanh nghiệp khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu ghi nhiều hơn thì phần vượt quá được coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu.
Nếu không có điều khoản cụ thể về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
3. Cần lưu ý tới Điều khoản Giải quyết tranh chấp
Trong hợp đồng quốc tế, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới Điều khoản Giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:
- Nếu là Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết.
- Nếu là Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết.